Điều kiện huấn luyện, bồi dưỡng và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC

29/Aug/2023
Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy Điều kiện huấn luyện, bồi dưỡng và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC
A. Điều kiện huấn luyện, bồi dưỡng và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC.

I. Điều kiện huấn luyện nghiệp vụ PCCC

1. Đối tượng huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC

Được quy định tại Khoản 1, Điều 16 Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an:

a) Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật phòng cháy và chữa cháy;

b) Cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành;

c) Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất nguy hiểm về cháy, nổ;

d) Người chỉ huy tàu thủy, tàu hỏa, tàu bay, người làm việc và phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên và trên phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ;

đ) Người làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phương tiện PCCC;

e) Các cá nhân khác có yêu cầu được huấn luyện nghiệp vụ PCCC.

2. Số lượng người của một lớp huấn luyện tối thiểu 10 người (trường hợp cần thiết theo đề nghị thì tổ chức lớp huấn luyện 5 người).

3. Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

a) Thời gian huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ lần đầu:

- Từ 16 đến 24 giờ đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.

b) Thời gian huấn luyện lại để được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC sau khi giấy này hết hạn sử dụng tối thiểu là 16 giờ.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Người đứng đầu cơ sở đào tạo, dạy nghề lái xe ô tô có trách nhiệm đưa nội dung kiến thức phòng cháy và chữa cháy vào nội dung, chương trình đào tạo.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức được lớp huấn luyện hoặc cá nhân có nhu cầu được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thì phải có đơn đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tổ chức lớp huấn luyện. Kinh phí tổ chức lớp huấn luyện do cơ quan, tổ chức, cơ sở hoặc cá nhân tham gia lớp huấn luyện chịu trách nhiệm

5. Nội dung huấn luyện nghiệp vụ PCCC phải đúng với quy định tại Điều 34 Nghị định 79/2014/NĐ-CP và tài liệu huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phát hành hoặc do Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội phát hành cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

6. Điều kiện về hội trường, sân bãi.

- Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và cơ sở phải có trách nhiệm chuẩn bị địa điểm sân bãi và kinh phí phục vụ lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức được lớp huấn luyện hoặc cá nhân có nhu cầu được huấn luyện nghiệp vụ PCCC thì phải có đơn đề nghị cơ quan Cảnh sát PCCC tổ chức lớp huấn luyện.

- Hội trường phải đủ chỗ ngồi cho các học viên tham gia lớp huấn luyện, có bàn để ghi chép nội dung bài giảng, hệ thống âm thanh ánh sáng phải đảm bảo yêu cầu.

 - Sân bãi phải đảm bảo đủ kích thước, phương tiện phải đảm bảo đủ về số lượng và phù hợp với công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC tại chỗ phục vụ huấn luyện, thực hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Trong quá trình huấn luyện phải đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến khu vực lân cận.

II. Điều kiện cấp “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC”.

1. Các đối tượng sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ PCCC, có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì được cấp “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC” theo mẫu Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014.

2. Trường hợp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy bị rách, cũ nát hoặc bị mất thì phải có đơn đề nghị xin cấp đổi, cấp lại.

B. Thủ tục đề nghị huấn luyện và cấp “Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC”

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC gửi cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, cụ thể:

1. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở tự tổ chức huấn luyện:

- Đơn đề nghị kiểm tra, cấp giấy chứng nhận huấn luyện;

- Kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện;

- Danh sách trích ngang lý lịch của người đã dự lớp huấn luyện.

2. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức được lớp huấn luyện

- Đơn đề nghị tổ chức lớp huấn luyện;

- Danh sách trích ngang lý lịch của người đăng ký dự lớp huấn luyện.

3. Cá nhân có nhu cầu được huấn luyện và xin cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy phải nộp đơn đăng ký dự lớp huấn luyện (mẫu số PC14 Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/ 12/ 2014).

4. Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

- Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giờ hành chính các ngày làm việc

- Thời gian cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy là 05 ngày làm việc, kể từ ngày kiểm tra xong hoặc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp đổi, cấp lại.

C. Trình tự thực hiện việc cấp “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy”

1. Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở tự tổ chức lớp huấn luyện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định nộp tại các địa điểm tiếp nhận hồ sơ của cơ quan Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội.

Bước 2: Đơn vị tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, nếu đảm bảo thì tổ chức kiểm tra về lý thuyết và thực hành theo các nội dung chương trình đề ra. (yêu cầu các đối tượng tham gia phải có tài liệu huấn luyện nghiệp vụ PCCC do CS PC&CC TP Hà Nội ban hành). Và đánh giá kết quả kiểm tra (theo mẫu thống nhất) có xác nhận của lãnh đạo đơn vị kiểm tra và đối tượng được kiểm tra.

Bước 3: Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, các đơn vị lập phiếu đề xuất và gửi kèm toàn bộ hồ sơ về bộ phận 1 cửa của Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội qua Trung tâm. Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ của các đơn vị tiếp nhận hồ sơ, Lãnh đạo Trung tâm ký giấy Chứng nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa của Trung tâm.

2. Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức, cơ sở không tự tổ chức lớp huấn luyện.

Bước 1: Như điểm 1 Mục C.

Bước 2: Đơn vị tiếp nhận tiến hành kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ, nếu đảm bảo yêu cầu thì xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung huấn luyện và tiến hành tổ chức huấn luyện, kiểm tra đánh giá kết quả (theo mẫu) có xác nhận của Lãnh đạo đơn vị kiểm tra và đối tượng kiểm tra.

Bước 3: Như điểm 1 Mục C.

3. Đối với các cá nhân có nhu cầu huấn luyện nghiệp vụ PCCC

Bước 1: Chuẩn bị đơn theo mẫu và nộp tại các địa điểm tiếp nhận hồ sơ.

Bước 2: Đơn vị tiếp nhận hồ sơ tập hợp đủ 10 người trở lên thì tổ chức mở lớp như trình tự tại điểm b, nếu không tổ chức được thì gửi hồ sơ về Trung tâm để tiến hành tổ chức mở lớp theo quy định.

Bước 3: Như điểm 1 Mục C.

D. Tên mẫu đơn, tờ khai:

Đơn đăng ký dự lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC