An toàn trong kinh doanh và sử dụng khí gas

29/Aug/2023

 

Để tăng cường các biện pháp công tác an toàn PCCC, hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ gas, ngày 01/3/2011 Cục Cảnh sát PCCC&CNCH phát hành văn bản số 200/C66-P2 chỉ đạo hướng dẫn thực hiện, trong đó tập trung về các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy đối với từng loại hình cơ sở kinh doanh và sử dụng khí gas cụ thể như sau:

1. Đối với cửa hàng kinh doanh khí gas:

1.1. Yêu cầu an toàn đối với thiết kế, xây dựng cửa hàng (Điều 5 TCVN 6223:1996 “Cửa hàng khí đốt hóa lỏng – Yêu cầu chung về an toàn”):

a) Diện tích mặt bằng:

Tổng diện tích tối thiểu 25m2;

Diện tích phòng bày bán tối thiểu 12m2;

 Diện tích kho chứa (nếu có) tối thiểu 10m2.

b) Về kết cấu xây dựng:

 Khu vực nhà thuộc cửa hàng chỉ được xây bằng gạch hoặc bê tông có bậc chịu lửa II;

 Nền nhà làm bằng gạch hoặc bê tông, bằng phẳng, không gồ ghề, lồi lõm, cao hơn mặt bằng xung quanh, không lắp đặt đường ống, cống thoát nước hở tại nền nhà;

Tường nhà bằng phẳng, nhẵn không có khe hở, vết nứt, vết lồi lõm, sơn hoặc quét vôi màu sáng;

Mái nhà phải chống được mưa, bão, chống nóng, thông thoáng tự nhiên;

Trần nhà phải nhẵn, phẳng, quét vôi máu sáng;

Cửa vào nhà cao tối thiểu 2,2m và chiều rộng cửa ít nhất 1,2m. Cánh cửa phải được làm bằng vất liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút, ngoài cửa chính phải có ít nhất 01 lối thoát nạn dự phòng, có cửa mở ra ngoài phía ngoài để người ở trong dễ thoát ra ngoài khi khi có sự cố;

Trong kho phải có lỗ thông hơi trên tường hoặc trần. Diện tích lỗ thông hơi chiếm ít nhất 2,5% tổng diện tích tường và mái nhưng không ít hơn 12,5% tổng diện tích tường. Nếu không có thông gió tự nhiên phải có thông gió cưỡng bức. Hệ thống thông gió cưỡng bức phải làm bằng vật liệu không cháy, các thiết bị phải phù hợp với mức độ an toàn cháy, nổ.

 1.2. Yêu cầu về cung cấp điện và phòng cháy và chữa cháy (Điều 5 và Điều 6 TCVN 6223:1996):

a) Cung cấp điện:

Toàn bộ thiết bị điện trong cửa hàng phải được khống chế chung bằng một thiết bị đóng ngắt điện (áptomát hoặc cầu dao kiêm cầu chì có hộp kín);

Hệ thống điện phải là hệ thống phòng nổ; dây dẫn đi trong ống kín; đèn và công tắc là loại phòng nổ.

Các dây dẫn không được đấu nối giữa chừng trên dây, chỉ được đấu nối tại các hộp phòng nổ.

Tất cả các thiết bị điện trong cửa hàng phải lắp đặt cách lớp chai khí gas tối thiểu 1,5m.

b) Yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy:

Nhân viên cửa hàng phải được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng chỉ về PCCC.

Cửa hàng phải có biển “cấm lửa”, “cấm hút thuốc”, tiêu lệnh, nội quy PCCC dễ thấy, dễ đọc.

Đối với cửa hàng chuyên kinh doanh khí gas và cửa hàng khí gas tại địa điểm bán xăng dầu, ít nhất phải có các thiết bị chữa cháy sau: 01 bình chữa cháy CO2 loại 5kg, 02 bình chữa cháy bằng bột khô loại 8kg, 02 bao tải gai hoặc chăn chiên, 01 thùng nước 20 lít, 01 chậu nước xà phòng 02 lít.

Đối với cửa hàng không chuyên kinh doanh khí gas, ít nhất phải có các thiết bị chữa cháy sau: 02 bình chữa cháy bằng bột khô loại 4kg, 02 bao tải gai hoặc chăn chiên, 01 thùng nước 20 lít, 01 chậu nước xà phòng 02 lít.

Cấm tiến hành việc sửa chữa, bảo quản chai khí gas hư hỏng và mọi hình thức sang chiết nạp bình khí gas tại các cửa hàng.

1.3. Yêu cầu về xếp dỡ, tồn chứa và bày bán chai khí gas tại cửa hàng (Điều 7 TCVN 6223:1996):

Chai khí gas phải được xếp thứ tự theo từng lô, từng dãy;

Độ cao mỗi chồng chai không quá 1,5m, khoảng cách giữa các dãy không nhỏ hơn 1,5m;

Nếu có nhiều loại chai thì xếp theo thứ tự chai cở lớn ở dưới, chai cỡ nhỏ ở trên;

Khối lượng gas trong tất cả các chai đượ phép tồn chứa tại cửa hàng là 500kg với diện tích tối thiếu 12m2 và được phép chứa thêm 60kg cho mỗi mét vuông diện tích tăng thêm cửa khu vực kho tồn chứa hoặc cửa hàng nói chung không kể khu phụ, nhưng tổng lượng khí gas tồn trữ tại cửa hàng không được vượt quá 1.000kg;

Khi tồn chứa chai gas, các van chai luôn vặn chặt;

Cho phép tồn chứa chai khí đốt hóa lỏng rỗng ở ngoài trời với điều kiện trong nhà không còn diện tích. Nghiêm cấm tồn chứa, sử dụng, kinh doanh khí oxy trong cửa hàng khí đốt hóa lỏng và chai gas rỗng trên mái nhà.

2. Yêu cầu an toàn trong bảo quản, xếp dỡ chai chứa khí gas:

2.1. Yêu cầu chung (Điều 5.1 TCVN 6304:1997 “Chai chứa khí đốt hóa lỏng – Yêu cầu an toàn trong bảo quản, xếp dỡ và vận chuyển”):

Các chai chứa khí đốt hóa lỏng phải được bảo quản trong các kho ngoài trời và trong nhà theo thiết kế đã được cơ quan cảnh sát có thẩm quyền phê duyệt.

 Kho phải có ít nhất 02 lối vào, cửa mở hướng ra ngoài, nền kho vững chắc, bằng phẳng, không trơn trượt, ngang bằng hoặc cao hơn mặt bằng xung quanh, làm băng vật liệu không cháy. Mọi hầm hố, kênh rãnh phải nằm cách khu vực kho chứa chai gas ít nhất 02m, trường hợp ngược lại thì phải được đậy kín. Hàng rào kho phải chắc chắn cao ít nhất 1,8m và không gây ảnh hưởng đến thông gió tự nhiên. Phải treo biển cấm lửa, cấm hút thuốc, hướng dẫn chữa cháy tại vị trí dễ thấy trước cửa kho.

Khi xếp chai khí gas phải xếp đứng và van an toàn phải xếp quay về một phía, van chai luôn đóng chặt; chiều rộng các chồng chai là 1,5m, chiều cao lớn nhất là 2,5m và phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định tại bảng 1, Điều 5.1.7 TCVN 6304:1997.

Không sử dụng các nguồn nhiệt trong kho, các loại xe có động cơ không được và khu vực kho. Các loại xe của kho có thể đỗ trong khoảng cách an toàn, nhưng phải cách kho ít nhất 03m.

Thiết bị chiếu sáng phải có bảo vệ phòng nổ, nguồn điện được khống chế băng thiết bị đóng ngắt chung (áptomat…)

Kho phải có hệ thống chống sét.

Đối với kho chứa 25.000kg khí hóa lỏng trở lên phải có nguồn nước đảm bảo lưu lượng phun 2.300 lít/ phút và liên tục trong 60 phút.

2.2. Yêu cầu an toàn đối với kho ngoài trời (Điều 5.2 TCVN 6304:1997):

 Kho chứa 1.000kg trở lên phải có rào cao ít nhất 1,8m ngăn cách để chia thành lô nhỏ;

Kho chứa chai rỗng phải cách kho chứa chai đầy ít nhất 03m, các hàng rào bảo vệ, nhà hoặc nguồn gây cháy cố định ít nhất 01m, cách bình oxy, vật liệu dễ cháy và chất độc ít nhất 02m.

Nếu kho có mái che có tổng lượng khí gas tồn là 400kg, thì mái phải làm bằng vật liệu nhẹ chịu nhiệt và cao hơn đỉnh chồng chai cao nhất là 01m, cột chống phải chắc chắn và có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút, kho phải được trang bị hệ thống nước chữa cháy cố định có vận tốc phun ít nhất là 12,5 lít/m2/phút nếu diện tích mái kho lớn hơn 10mx10m.

 2.3. Yêu cầu an toàn đối với kho trong nhà (Điều 5.3 TCVN 6304:1997):

Tổng lượng khí gas tồn chứa không được vượt quá 25.000kg.

Kho phải xây dựng bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 60 phút, cột chống, tường ngăn làm bằng vật liệu có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút, lỗ thông hơi trên tường và trên mái phải chiếm 2,5% diện tích tường.

Đối với kho có lượng khí gas nhiều nhất là 1.000kg thì cho phép bố trí trong tầng một của ngôi nhà 02 tầng, trong đó cửa, trần, sàn nhà kho có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút, cửa bố trí ở tường ngoài cùng và có chiều cao ít nhất 2,5m; nếu tòa nhà dùng để ở, tường phân cách phải có giới hạn chịu lửa 60 phút; phải trang bị hệ thống báo cháy tự động.

Cho phép bảo quản chai khí gas trong buồng nhỏ với điều kiện: 400kg trong nhà 1 tầng, 300kg trong nhà nhiều tầng không có người ở, 70kg trong nhà có người ở.

 Buồng chứa phải bảo đảm thoáng gió, có giới hạn chịu lửa ít nhất 30 phút, phải có thiết bị báo cháy tự động.

Khi chai khí gas bị rò rỉ phải xác định và đánh dấu chỗ rò rỉ và chuyển chai đó ra chỗ thoáng gió, cách xa nguồn gây cháy và các chai khí gas khác. Thông báo sự cố cho người cung cấp hàng để xử lý.

Khi xảy ra cháy trong kho phải cho tất cả các hệ thống báo động cháy trong kho hoạt động và báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, phun nước lên các chai chứa khi gas đang tồn đọng trong kho, sơ tán các chai chứa khi gas tại khu vực này sang khu vực an toàn. Chỉ những người đã được huấn luyện chữa cháy mới được chữa cháy.

3. Đối với vận chuyển khí gas:

a) Yêu cầu chung:

Các phương tiện vận chuyển phải có dấu hiệu báo chờ khí gas, biển báo an toàn (biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc,…), người vận chuyển phải có chứng chỉ đã qua huấn luyện PCCC.

Trong quá trình vận chuyển các chai khi gas luôn ở tư thế thẳng đứng, van ở trên, mũ van phải đóng kín, không kéo lê, vứt, va đập mạnh, làm đổ chai, cho phép xếp nhiều chồng nhưng giữa 2 chồng phải có ván đệm; tuyệt đối không vận chuyển các chai khi gas trên các phương tiện giao thông công cộng cùng người, gia súc và các loại hàng khác.

Không xếp hàng vượt quá tải trọng của phương tiện vận chuyển. Chỉ được xếp chai lên phương tiện đảm bảo an toàn.

b) Khi vận chuyển bằng đường bộ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

 Sàn và thành xe phải chắc chắn làm bằng gỗ hoặc lát gỗ, không có đinh, xe phải có bộ phận giảm sóc, buồng lái cách li với khoang chở hàng.

Khi vận chuyển lượng khí gas trong chai lớn hơn 150kg phải có mái che hoặc phủ bạt. Nếu vận chuyển bằng xe thùng thì phải có lỗ thông hơi đạt 02% diện tích khoang chứa hàng.

Đối với chai có dung tích trên 100 lít thì được xếp theo chiều thẳng đứng van chai ở phía trên, đến 100 lít có thể chồng đứng từ 02 đến 04 lớp, nhưng không vượt quá chiều cao thùng xe, chai khí gas phải được neo buộc chắc chắn và cứ giữa 02 lớp phải có 01 lớp ván lót. Cho phép xe lam chở tới 05 chai có dung tích chứa đến 100 lít, xe 02 bánh chở 01 chai dung tích chứa đến 50 lít, xe xích lô chở 02 chai và xe ba gác chở 04 chai có dung tích chứa đến 100 lít và phải được neo buộc chắc chắn.

Phương tiện chữa cháy phải đảm bảo ít nhất 01 bình bột chữa cháy 2,5kg đặt trong buồng lái và 02 bình bột (hoặc khí CO2) loại 5kg – 9kg trên thùng (thành) xe.

c) Khi vận chuyển bằng đường sắt cần phải đảm bảo các yêu cầu:

Vận chuyển trong các lồng đặt trong các toa có mui, sàn và thành xe phải lót gỗ hoặc cót ép, toa chở  hàng phải đảm bảo thông gió và lưới bảo vệ bằng thép, trên toa phải đảm bảo đầy đủ phương tiện chữa cháy CO2, bình bột chữa cháy loại 5kg đến 9kg, bản hướng dẫn sự cố, có biển báo chở khí gas, biển cấm lửa bên ngoài toa. Đầu máy hơi nước, diezen và đầu máy chạy bằng điện phải đỗ cách khu bảo quản, sang nạp ít nhất 07m. Khi đỗ tàu phải báo cho nhà ga về chủng loại hàng vận chuyển và lịch trình tàu chạy.

d) Khi vận chuyển bằng đường thủy cần đảm bảo các yêu cầu:

Nên đặt các chai khi gas trong các lồng bảo vệ đặt trên boong tàu, cho phép đặt chai khi gas trong khoang và hầm tàu khi khoang và hầm tàu thông thoáng bằng hệ thống thông gió tự nhiên, miệng hút gió phải đặt tại điểm thấp nhất của khoang chứa. Không được vận chuyển trong các contenơ đóng kín.

Khoang chứa chai khí đốt hóa lỏng phải được trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy bằng nước, các bình bột chữa cháy (số lượng phụ thuộc vào khối lượng vận chuyển và diện tích khoang chứa).

4. Đối với bồn gas phục vụ sản xuất:

Hàng rào xung quanh khu bồn chứa phải có ít nhất 02 lối ra vào bố trí không gần nhau, chiều rộng lối ra ít nhất 01m và có cửa mở ra ngoài. Không được dùng khóa cổng tự động.

Kho chứa bồn gas đặt tại những nơi có đường qua lại để vào bệnh viện, trường học… thì xung quanh kho chứa phải có hàng rào bảo vệ kiểu hở, có độ cao ít nhất 1,8m và cách bồn chứa tối thiểu 1,5m.

Kho bồn chứa phải có dấu hiệu an toàn, bố trí tại những chỗ dễ nhận thấy để báo nguy hiểm, cách phòng ngừa và báo cháy, số điện thoại của cơ quan PCCC.

Khoảng cách an toàn tối thiểu từ bồn chứa khí gas đến công tình, tòa nhà, văn phòng và khoảng cách giữa các bồn chứa; từ nhà đóng nạp chai khi gas đến công trình lân cận và đến bồn chứa; từ điểm xuất nhập khí gas bằng xe bồn vận chuyển hoặc toa bồn đường sắt đến các công trình lân cận được quy định tại Phụ lục IX Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 của Chính phủ.

Tất cả các thiết bị điện sử dụng trong khu vực tồn chứa khí gas phải là loại chống cháy nổ.

Các thiết bị phòng cháy chữa cháy phải tuân theo các yêu cầu về số lượng, chủng loại và chất lượng của cơ quan PCCC.

Nguồn cấp nước chữa cháy phải đảm bảo khả năng cung cấp 10 lít/phút/m2 trên bề mặt bồn trong khoảng thời gian 60 phút, các bồn chứa lắp ống phun nước cố định phải có ít nhất 02 ống phun nước chạy dọc theo đỉnh bồn.

Các vật dễ bắt lửa không được để trong phạm vi tường rào của khu vực bồn chứa.

Đối với kho các bồn chứa khi gas cố định có dung tích chứa trên 160 lít dùng để tồn chứa khí gas thương mại và công nghiệp thì số lượng phương tiện chữa cháy được quy định tại Bảng 5 Điều 10.3 TCVN 6486: 1999.

Đối với hệ thống cung cấp khí gas tại nơi tiêu thụ có tổng sức chứa trong bình hoặc bồn đến 270m3 thì số lượng phương tiện chữa cháy được quy định tại Bảng 5 Điều 5.1.4 TCVN 7441: 2004.

5. Đối với sử dụng khí gas:

5.1. Đối với cơ sở và hộ gia đình sử dụng bếp gas:

a) Đối với cơ sở sử dụng bếp gas:

Ban hành và tổ chức thực hiện quy định an toàn PCCC khu vực bếp gas;

Niêm yết nội quy PCCC, quy trình sử dụng và quy trình xử lý khi xảy ra cháy, nổ;

Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho người lao động làm việc trong khu vực bếp;

Dự kiến tình huống xảy cháy bếp gas và tổ chứa thực tập để xử lý tình huống đó ít nhất mỗi năm một lần.

b) Đối với hộ gia đình sử dụng bếp gas;

Phải biết các kiến thức PCCC, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của khí gas và các biện pháp đề phòng;

Niêm yết quy trình sử dụng bếp gas và thực hiện đúng quy trình; nắm vững và thực hiện đúng quy trình xử lý gas bị rò rỉ; quy trình xử lý sự cố cháy, nổ khi gas;

 Học tập để sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị.

5.2. Bố trí nơi đun nấu:

a) Đối với bếp ăn tập thể:

Bố trí phòng đặt bình gas riêng biệt với phòng bếp;

Phòng đặt bình gas và phòng bếp được xây dựng bằng vật liêu không cháy, có cửa đi, cửa sổ và cửa thông gió;

Bình gas được đặt trên nền bằng phẳng, chắc chắn, có hệ thống giá đỡ chống đổ bình;

Đặt bình gas cách cửa đi, cửa thông gió, cửa hút khói tối thiểu 1m, cách cửa sổ tối thiểu 0.5m;

Mỗi bếp đun chỉ được bố trí tối đa 02 bình gas có dung tích 25 lít. Không để bình gas dự trữ hoặc bình đã sử dụng trong phòng đặt bình gas;

Trường hợp phải sử dụng số lượng bình nhiều hơn thì phải có các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, phòng nổ phải được cơ quan Cảnh sát PCCC chấp thuận về PCCC.

Niêm yết nội quy PCCC, quy trình sử dụng bếp gas, quy trình xử lý khi phát hiện gas rò rỉ, quy trình xử lý khi xảy ra cháy.

b) Đối với bếp ăn của hộ gia đình:

Có phòng bếp riêng được ngăn cách bằng vật liệu không cháy với các phòng khác. Phòng bếp có cửa đi, cửa sổ và cửa thông gió;

Khoang đặt bình gas được ngăn cách với vị trí đặt bếp bằng vật liệu không cháy;

Bình gas được đặt trên nền nhà bằng phẳng vững chắc, có tường ngăn cách chống va đập, làm đổ, xê dịch bình hỏng hoặc tuột dây dẫn khí gas;

Mỗi bếp đun chỉ bố trí 01 bình loại 12kg hoặc 13 kg gas; không để bình dự trữ hoặc vỏ bình trong bếp đun.

5.3. Trang bị bếp:

Trang bị bếp đun đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn PCCC, van an toàn phải tự động đóng trong trường hợp lửa ở bếp bị tắt hoặc công tắc bếp vẫn mở; dây dẫn gas chắc chắn, đảm bảo kín.

Các khớp nối liên kết  giữa bếp, dây dẫn, van an toàn và bình gas phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, chắc chắn và đảm bảo độ kín chống rò rỉ gas.

Dây dẫn gas được lắp đặt ở vị trí tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, có lớp bảo vệ để chống chuột cắn. Đối với dây dẫn gas của các bếp ăn tập thể phải luồn vào ống cứng, bắt chặt vào tường, không được bắt chồng lên hoặc cắt ngang dây dẫn điện.

5.4. Tăng cường kiểm tra phát hiện và  khắc phục những sơ hở, thiếu sót:

Phải thường xuyên kiểm tra chất lượng các bộ phận của bếp gas, nếu phát hiện bộ phận nào không đảm bảo an toàn thì phải yêu cầu cửa hàng cung cấp thiết bị khắc phục ngay.

Cần phải kiểm tra và khóa van bình gas trước khi đi ngủ và trước khi ra khỏi nhà.

5.5. Trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy:

Đối với bếp ăn tập thể, cửa hàng ăn uống có sử dụng gas cần phải trang bị 04 bình bột chữa cháy loại 4kg, 02 bình khí chứa cháy 3kg, 02 chăn sợi và 01 thùng nước chữa cháy dung tích 100 lít.

Đối với các hộ gia đình cần phải trang bị các dụng cụ chữa cháy cần thiết như chăn chiên hoặc bao tải, thùng dự trữ nước, 01 bình chữa cháy bằng bột loại 4kg.

5.6. Phát hiện và xử lý bình gas bị rò rỉ:

Phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện rò rỉ khí gas. Khi phát hiện mùi gas, hoặc thiết bị báo động phát tín hiệu, phải nhanh chóng xác định vị trí bị rò rỉ. Dùng nước xà phòng bôi lên những nơi rò rỉ để xác định có bị rò rỉ hay không. Tuyệt đối không được dùng ngọn lửa để tìm nơi rò rỉ.

Đánh dấu chai và vị trí bị rò rỉ.

Phải loại trừ ngay bất kỳ nguồn gây cháy nào gần khu vực chứa chai khí gas.

Bịt chặt chỗ rò rỉ lại và kịp thời di chuyển chai bị rò rỉ ra ngoài, đặt xa nguồn lửa và nơi đông người.

Không được bật, tắt công tắc điện, rút hoặc cắm phích điện vì sẽ tạo ra tia lửa điện gây nổ.

Phải thông báo tiếp cấm hút thuốc và các nguồn gây cháy.

Không được tháo bỏ hoặc sửa van, chai đã bị hư hỏng, mà chuyển cho cơ sở nạp xử lý.

Khoanh vùng, xếp đặt các chai bị rò rỉ, treo biển cấm người qua lại và thông báo ngay sự cố cho người cung cấp hàng.

5.7. Quy trình sử dụng bếp gas:

Kiểm tra độ an toàn, độ kín của van, dây dẫn khí gas; các khớp nối giữa van, dây dẫn khi gas và bếp.

Mở van xả khí gas.

Bật bộ phận đánh lửa ở bếp.

Điều chỉnh ngọn lửa theo yêu cầu.

Khi đun nấu xong: đóng van xả khí gas, tắt bếp, vệ sinh bếp.